Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Thực hư về món ăn kỵ nhau: Giả mạo và phản khoa học!

 Thông tin về "thức ăn kỵ nhau" gây chết người, gây ung thư... đang khiến nhiều người hoang mang, nhất là khi các thông tin này được cho là do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (HN) đưa ra...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn gốc thông tin trên xuất phát từ các tờ rơi tại Hà Nội. Thế nhưng, nó thực sự trở thành phổ biến khi vào cuối tháng 8.2008, một tờ báo ở TPHCM đăng tải kèm lời chú thích "Bạn nên cắt bài báo này dán tại bếp".

Thông tin trên báo nêu nhiều loại thực phẩm khi kết hợp với nhau gây chết người, gây ung thư, hoặc tạo chất độc bảng A, như: "ba ba + rau dền -> chết người", "ba ba + rau sam -> đau bụng", "cà chua + khoai tây -> ung thư", "gan + giá đỗ -> ung thư"... Rất nhiều người hoang mang, nhất là khi bài báo nêu nguồn thông tin này do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cung cấp...
Thực hư thông tin này ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: "Chúng tôi không đưa khuyến cáo nào về thức ăn kỵ nhau". Bác sĩ Sơn nói thêm: "Tại trung tâm, chúng tôi cấp cứu nhiều ca ngộ độc thức ăn nhưng đó là do thức ăn ôi thiu, chế biến không đảm bảo vệ sinh, thức ăn sống để lẫn thức ăn chín. Nếu cứ theo khuyến cáo, một số món ăn rất phổ thông như cà chua nấu khoai tây gây ung thư, thì chắc nhiều người đã bị! Thức ăn gây độc, gây ung thư là do nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, nguồn nước sinh hoạt nhiễm kim loại nặng. Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguồn gốc phát tán tờ rơi này, bởi thông tin này không đủ căn cứ khoa học và còn giả mạo nguồn từ Trung tâm Chống độc và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư".
Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng phê phán mạnh mẽ nội dung của tờ rơi.
Ông Khẩn phân tích: "Trong dân gian vẫn có quan niệm về thức ăn nhiệt - hàn; nóng - lạnh... Cách thức tờ rơi khuyến cáo về "thức ăn kỵ nhau" khiến người tiếp nhận thông tin có thể hiểu lầm, khuyến cáo này như là được đúc rút kinh nghiệm. Chúng ta cũng lưu ý, ngay cả quan niệm truyền thống về chế độ dinh dưỡng cũng có một số sai lầm và đã được thay đổi trong điều kiện khoa học dinh dưỡng phát triển.
Ví dụ, trước đây, người dân từng cho rằng, bà mẹ mang thai chỉ ăn thức ăn ít năng lượng để thai không to, sinh con được dễ dàng. Hay quan niệm, trẻ tiêu chảy phải giảm bú mẹ vì sợ tăng lượng nước càng gây tiêu chảy. Trong khi đó, khoa học dinh dưỡng đã chứng minh: người mẹ mang thai cần có chế độ ăn tăng cường phù hợp để giúp cho bào thai phát triển khỏe mạnh. Bởi nếu trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai là yếu tố gây nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành cao hơn trẻ có cân nặng bình thường. Còn trẻ tiêu chảy, mất nước cần được bù nước đúng cách, tăng cường bú mẹ để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Tờ rơi "thức ăn kỵ nhau".
Thậm chí, còn có quan niệm cho rằng, cho trẻ ăn dặm, ăn thêm thức ăn ngoài sớm (bột, nước cháo) để giúp trẻ "cứng", tăng cân nhanh. Như vậy là rất sai lầm. Thực tế, trẻ được bú đủ sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là tối ưu. Một số thành phần trong thức ăn bổ sung còn làm giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng từ sữa mẹ".
Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn cũng khẳng định khoa học dinh dưỡng chưa hề có khuyến cáo về thức ăn kỵ nhau. Vấn đề mà khoa học dinh dưỡng quan tâm và chứng minh được, đó là các chất nào trong thức ăn đó có thể giúp làm tăng hay giảm sự hấp thụ mà thôi. Các khuyến cáo về dinh dưỡng hợp lý được đưa ra trên cơ sở được nghiên cứu, kiểm chứng khoa học. Ví dụ, vitamin C giúp làm tăng khả năng hấp thụ sắt, còn chất tanin lại làm giảm khả năng này. Hoặc sắt với kẽm cần có lượng đưa vào cân xứng để hấp thu tốt.
"Các tờ rơi về thực phẩm kỵ nhau gần như đã đi ngược lại các khuyến cáo của khoa học dinh dưỡng. Bởi khoa học dinh dưỡng đã đưa ra các khuyến cáo về bữa ăn da dạng, kết hợp và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc tờ rơi còn giả mạo dẫn nguồn thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư càng chứng tỏ sự không trung thực, tin cậy của thông tin mà tờ rơi đó đưa ra" - tiến sĩ Khẩn bức xúc.
Trên trang web của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (chongdoc.org.vn) đã có thông tin khuyến cáo chính thức: Gần đây trong nhân dân có kẻ phát tán những tờ rơi giả danh hai cơ quan khoa học đầu ngành là Viện Vệ sinh dịch tễ và khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Nội dung tờ rơi đưa ra những khuyến cáo về phối hợp thực phẩm thiếu cơ sở khoa học, có những thông tin rất vô lý. Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (trước đây là khoa Chống độc) đã ra công bố khẳng định đây là những tờ rơi giả danh và có nội dung thiếu khoa học, không chính xác. Vì vậy bạn đọc hãy thận trọng khi nhận được những tờ rơi như vậy.
Ai là tác giả tờ rơi "thức ăn kỵ nhau"?
Sử dụng công cụ tìm kiếm của Google, chúng tôi phát hiện hầu hết các trang web, blog, diễn đàn, báo điện tử có đăng bài thơ này đều dẫn nguồn "đăng lại từ Báo Sức khỏe và Đời sống của tác giả Nguyễn Hữu Tài". Thế nhưng, tìm trên trang web của Báo Sức khỏe và Đời sống lại không hề có bài viết này. Ông Tô Quang Trung, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống khẳng định với chúng tôi báo chưa bao giờ đăng bài thơ "Các món ăn kỵ nhau" như thông tin một số báo điện tử và trang web đã dẫn.
Lương Cường
(Theo TNO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét