Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

ĐỊNH NGHĨA VỀ VỢ

Tục ngữ có câu: “Nhất vợ nhì trời”. Thế mới biết tầm quan trọng của vợ có tính ... chiến lược như thế nào!. Với tư cách của một người luôn yêu vợ... tôi đã nghe thiên hạ nói rằng:
- Ăn nhiều, nói lắm, mau già, lâu chết... là con gì?.
Tôi xin cực lực phản đối nếu ai đó trả lời, đó là ... con vợ!. Ủa! nhưng mà định nghĩa như thế thì có gì là sai không nhỉ?
Bạn tôi, xin nói trước, anh ta là một chuyên gia đi uống bia... có “gác tay”. Sau nhiều năm chinh chiến, lăn lộn, anh ta đã rút ra được kinh nghiệm đáng yêu như sau:
Trong nhà gì đẹp bằng em
Mắt xanh, má đỏ, lại chen ... nanh vàng
Nanh vàng, má đỏ, mắt xanh
Gần chồng mà chẳng...hôi tanh mùi...chồng
Ấy là những điều mà anh ta “tự thú” khi quay về với vợ. Vậy là cũng đáng tha thứ lắm chứ?!
Một anh bạn nữa của tôi là hưóng dẫn viên du lịch. Anh ta có cơ hội đi khắp mọi nơi. Do đi nhiều, xa vợ nhiều, va chạm nhiều cái mới, nên anh ta mới đúc kết như thế này:
Không đi không biết Đồ Sơn
Đi thì mới thấy không hơn “đồ nhà”
Đồ nhà tuy xấu, tuy già
Nhưng là đồ thật, không là ... đồ sơn.
Anh ta là hướng dẫn viên du lịch nên anh ta tiếp cận nhiều danh lam thắng cảnh. Ở đâu thấy đẹp, thấy quyến rũ là anh ta lại lấy vợ ra để so sánh, để rồi đi đến kết luận rằng: Vợ vẫn là trên hết.
Thế đấy, mỗi chuyên môn, mỗi nghề nghiệp, họ có những cách định nghĩa về vợ khác nhau.
Nhà triết học thì cho rằng, vợ là một tồn tại khách quan ngoài ý muốn của chúng ta...
Nhà khảo cổ thì cho rằng vợ là loại đồ cổ càng để lâu càng mất giá.
Nhà kinh tế thì cho rằng vợ là một ngân hàng mà tiền gửi vào thì dễ, nhưng
rút ra thì cực khó. Hoặc: vợ là một tài sản cố định, hết thời gian khấu hao, nhưng không thể thanh lý được.
Nhà giáo thì cho rằng, vợ tuy không sinh thành ra ta, nhưng có công nuôi dưỡng, dạy dỗ ta nên người, vậy ta phải kính trọng và yêu thương vợ như.... đấng sinh thành của ta...
Anh dân phòng thì lại thấm thía rằng: Vợ ta là phe địch, bồ bịch là phe ta, khi chiến sự xảy ra, ta phải về với dịch, tuy sống trong lòng địch, vẫn hướng về phe ta... Cái định nghĩa này thì nghe mất lập trường quá, không thể chấp nhận được.
Một anh nông dân cày sâu cuốc bẫm, quanh năm ngày tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời”. Anh ta có cái định nghĩa về vợ thật chẳng giống ai. Đối với anh ta thì “Vợ là một thửa ruộng rất dễ bị hàng xóm ... cày trộm”. Bởi vậy, có lần anh ta có dịp đi “cửu vạn” xa nhà, nhận thư vợ, thư rằng:
Thửa ruộng ba bờ cạnh dốc mông
Từ bữa anh đi vẫn bỏ không
Cỏ mọc ven bờ không ai xén
Em mượn người cày, có được không?
Anh ta giật mình: “Thôi chết rồi, thửa ruộng? thửa ruộng là đúng theo định nghĩa của anh rồi. Đã thế lại “ba bờ”, lại “cạnh dốc mông” nữa thì làm sao trệch đi đâu được”. Đọc xong thư, nóng tiết, anh chàng tức tốc viết thư trả lời vợ luôn:
Cỏ lên mặt nước ngả màu hồng
Ông còn để đó, mặc kệ ông.
Nếu mướn người cày, gieo giống lạ,
Ông về bờ sạt, chết với ông!!!
Muốn nói gì thì nói, muốn định nghĩa như thế nào thì định nghĩa, muốn sống dở,chết dở với vợ thế nào thì không biết, nhưng đối với tất cả mọi người, điều mà không một ai chối cãi được, đó là “VỢ LÀ MỘT CÕI ĐI VỀ”.
Có lẽ, đấy mới là định nghĩa chính xác nhất, cũng từ quan niệm này mà từ lâu, người Việt Nam ta mới gọi một nửa của mình là “NHÀ TÔI ”. Và có lẽ cũng chính vì thế mà thi sĩ Bùi Giáng mới nói về vợ mình như sau:
Mình ơi! Tôi gọi là nhà
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi!
Nghe sao mà da diết làm vậy!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét