Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Nhân ngày Thương Binh Liệt sỹ 27/7 Xúc động bài thơ “TIẾNG HÁT GIỮA RỪNG”

Ai đã từng đọc “ Tiếng hát giữa rừng “ của Huỳnh Văn Nghệ chắc không khỏi thấy lòng mình đau đáu, nhức nhối tới tận tim gan. Trong chiến tranh vệ quốc, tại một trạm quân y trên đường hành quân, một thương binh trong tình trạng phải cưa một chân. Trong điều kiện giữa rừng, không thuốc gây mê, không có dụng cụ y tế tối thiểu để ca phẫu thuật diễn ra như bình thường. Dụng cụ để cưa chân anh chỉ là một chiếc ... “cưa thơ mộc”.
Để át đi nỗi đau, người thương binh đã hát vang, hát đi hát lại bài Quốc ca. Một sự chịu đựng phi thường rất đáng khâm phục, một thi tứ lạ đến lặng người. Bài hát hơn cả liều thuốc gây tê giảm đau giúp anh vượt qua nỗi đau thể xác để rồi hy vọng sau đó tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
TIẾNG HÁT GIỮA RỪNG (Huỳnh Văn Nghệ)
Ngựa bỗng dừng chân
Bên quân y viện:
Giật mình nghe tiếng
Quốc ca vang.
Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng
Hay hội nghị cơ quan ?
Sao chỉ một người cất giọng
Hát đi rồi hát lại nhiều lần.
Xuống ngựa, buộc cương
Hỏi ra mới biết:
Bác sĩ đang cưa chân
Một chiến sĩ bị thương
Bằng cưa thợ mộc ...
Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe
Nhìn ảnh Bác Hồ trên vách tre
Anh chiến sĩ cứ mê mải hát.
Cưa cứ cưa, xương cứ đứt
Máu cứ rơi từng vết đỏ bông.
Hai bàn tay siết chặt đôi hông
Dồn hết phổi vào trong tiếng hát:
“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc ...”
Đã hát đi hát lại bao lần
Vẫn chưa đứt xương chân
Vẫn chưa ngừng máu đỏ.
Vừa xong băng bó
Anh lịm đi
Hồi hộp cả núi rừng
Tiếng hát mới chịu ngưng
Ảnh Bác Hồ như rưng rưng nước mắt.
Trở lên yên ngựa đi từng bước
Cúi đầu nén nỗi đau thương
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hí
Chí phục thù cháy bỏng tay cương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét