Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Không nên vô lễ với nhân dân!

Không nên vô lễ với nhân dân


Ở Việt Nam, khái niệm “Giáo dục” gần như đồng nghĩa với “Dạy dỗ”.

Không phải bây giờ, mà đã từ lâu chúng ta thường bắt gặp trong văn bản báo cáo, trong lời phát biểu tại hội nghị, trên báo đài,... cụm từ:“Giáo dục quần chúng”. “Giáo dục nhân dân”. Những cụm từ này ít xuất hiện từ các bài viết, bài nói của các vị lãnh đạo cấp cao, nhưng khá phổ biến ở các cấp.

Đã một thời quen dùng như thế, giờ đây chúng ta tự thử hỏi: Trong cộng đồng dân cư Việt Nam - ai giáo dục ai ?

Để trả lời thỏa đáng câu tự vấn này, trước hết phải xác định xem: Nhân dân là ai, Quần chúng là ai?

Theo tự điển, quần chúng là tập hợp đông đảo nhân dân, mà nhân dân chính là dân cư của một nước - bao gồm: các dân tộc, các tầng lớp giai cấp làm nền tảng cho một quốc gia. Và như thế, trong nhân dân có ông bà, cha mẹ; có già làng, trưởng tộc; có các bậc lão thành cách mạng; các nhân sĩ trí thức, các nhà giáo thầy thuốc;... và xa xưa là cụ kỵ, tổ tiên của tất thảy mọi người!

Ở chế độ ta, cơ chế quản lý xã hội, điều hành đất nước là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đảng CSVN ra đời và trưởng thành trong quá trình đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, đại biểu trung thành và chiến đấu không mệt mỏi vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Nhà nước Việt Nam XHCN là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Còn nhân dân là lực lượng làm nên lịch sử dân tộc, tạo dựng đất nước và bảo vệ quốc gia.

Lịch sử có lúc thăng - trầm, nhưng nhân dân là vĩnh cửu ! Về truyền thống đạo lý và cả trên lý luận thực tiễn, nhân dân là bề trên, là tối thượng!
Mỗi một cán bộ lãnh đạo, dù ở cấp nào, với cương vị gì cũng đều là con cháu của nhân dân, là công bộc của nhân dân!

Bởi vậy, nếu ai đó dùng cụm từ “giáo dục quần chúng”, “giáo dục nhân dân” là vô tình hay hữu ý coi thường, vô lễ với nhân dân.

Để tránh điều đó, thiển nghĩ: Khái niệm và động từ “giáo dục” (mà có thể gọi là dạy dỗ) chỉ nên dùng đối với các đối tượng là: thế hệ trẻ, chiến sĩ trẻ, đoàn viên thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Nói và sử dụng từ như thế, mới đúng ngữ nghĩa, mới trọng dân, mới có văn hóa và hơn hết, mới phải đạo làm công bộc của dân!
Nguyễn Tư Hiền (TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét